Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

HEO RỪNG, LỢN SÓC TÂY NGUYÊN

Theo tập quán, đồng bào Tây Nguyên xem heo rừng là loài vật linh thiêng, ăn thịt heo rừng sẽ mang lại may mắn. Lợn Sóc Tây nguyên là giống lợn bản địa.
Lợn Sóc là giống lợn nguyên thủy, do đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thuần dưỡng từ lợn rừng và gắn liền với đời sống và văn hóa của đồng bào từ lâu đời. Trước đây lợn Sóc là một trong những vật nuôi quan trọng hàng đầu trong mỗi gia đình đồng bào Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông…, lợn Sóc không chỉ có vai trò quan trọng trong kinh tế gia đình mà còn là vật cúng tế linh thiêng trong những ngày lễ hội của gia đình, buôn làng.
 
Giống lợn ở đây tuy đã được thuần dưỡng, nhưng vẫn còn mang trong máu tính di truyền của lợn rừng khá rõ nét.
Lợn chân cao, mình dài, mồm nhọn. Lúc mới đẻ, nom những chú lợn lai như quả dưa chuột. Lông vàng và có những sọc trắng chạy dọc trên mình. Tuy cùng một lứa, nhưng chúng khác hẳn những con lợn không có vết lai ở bộ lông. Loại lợn này rất phàm ăn và chóng lớn, mắn đẻ. Thường chỉ trong mười bốn tháng đã cho ta ba lứa con.
Khác hoàn toàn lợn nhà phải nuôi trong chuồng và cho ăn nhiều chất bột mới béo được. Trái lại, lợn ở đây phải thả mới lớn. Chỉ cần nhốt lấy năm ngày, lợn dù có được ăn cũng sút ít ra một phần ba trọng lượng. Thức ăn chủ yếu của chúng là măng và giun dế. Lợn đào măng giỏi nhờ có mõm nhọn và khỏe. Chúng có thể bới rất sâu, kéo bật cả những gốc măng vừa mới nứt mắt còn nằm dưới mặt đất.
Lợn nái đẻ, hoàn toàn như lợn rừng. Bằng một tiếng nói riêng, lợn nái trước khi đẻ đã huy dộng bà con của nó đi làm ổ giúp. Lợn kéo nhau đến một chỗ rất xa nhà, và rất kín. Chúng cáp lá, cắp cành cây để làm ổ cho con lợn sắp đẻ. Chúng đã khôn khéo tạo cho ổ một ụ mối và lấy cây vây kín chung quanh, chỉ trừ hai cửa để lợn đẻ chui ra chui vào. Ổ lợn được lợp rất kín, dù có mưa bão cũng không việc gì. Điều đặc biệt là các lối vào ra của lợn đều được rấp cẩn thận. Cho dù chó sói cũng khó phát hiện ra ổ lợn.
Lợn nái đẻ xong, tự động đào hố lấp bỏ rau. Xong đâu đó, nó đợi vài ngày cho con thật khỏe rồi mới dắt con về.
Những con lợn lai rừng này rất ngỗ ngược. Hám ăn và hay gây gổ. Có thể nhờ dòng máu của lợn mẹ đã được thuần dưỡng, cho nên mặc dù ngỗ ngược, chúng vẫn theo mẹ chứ không theo cha chạy biến ra rừng. Và cũng chính vì có được dòng máu khỏe mạnh của cha nó nên những chú lợn con lớn nhanh như thổi. Với lợi thế ở cái mõm dài, dùng như người ta sử dụng cái thuổng, lợn sục đào suốt ngày. Mầm măng, sâu bọ và giun dế. Lợn lai này thuộc loại phàm ăn, chén bất kể vật gì có thể nhai được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét