Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Vai trò, ý nghĩa của Cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Lắk - Tây Nguyên.

Cồng chiêng là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số Đắk Lắk nói riêng. Cồng chiêng được coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng.
Từ bao đời nay Cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với các nghi lễ-lễ hội truyền thống, do đó Cồng chiêng là tài sản vô giá mà đồng bào các dân tộc thiểu số phải gìn giữ, bảo vệ và phát huy có hiệu quả những giá trị của văn hóa Cồng chiêng.
le hoi van hoa cong chieng Tay Nguyen
Các nghệ nhân Đắk Lắk biểu diễn Cồng chiêng tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3-năm 2011 - ảnh Bá Thăng

Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo kỹ thuật diễn tấu mà Cồng chiêng còn là biểu
tượng cho cuộc sống của con người nơi đây. Nghệ thuật Cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị văn hóa của Cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá trị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử. 

Giá trị của Cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng, chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Khi âm thanh của Cồng chiêng vang lên, người ta quan niệm có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời con người đã  nghe tiếng chiêng chào đón, khi lớn lên dựng vợ, gả chồng tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc và khi vĩnh biệt cõi đời về với tổ tiên thì cũng có tiếng chiêng tiễn đưa. Cồng chiêng không được sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình và buôn làng, trong những dịp tiếp khách quý. Chiêng đem sự thiêng liêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng Cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội...của người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng Cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người. 

Có thể nói Cồng chiêng Tây Nguyên có mặt trong mọi nghi lễ quan trọng  của đời sống con người và cộng đồng các dân tộc, nó trở thành sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc, trong các buôn làng trên mảnh đất Tây Nguyên từ ngàn đời nay. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống trong nước và nước ngoài khi đến Đắk Lắk nghiên cứu về văn hóa Cồng chiêng đều khẳng định: “Đắk Lắk có nền văn hóa Cồng chiêng vô cùng độc đáo”. Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt Nam. Nhưng với người Tây Nguyên, Cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Daklak

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét