Được nhiều người giới thiệu, tôi tìm đến nhà Khăm Phết Lào-con trai thứ chín của vua voi Ama Kông, cũng là người thừa kế bài thuốc bí truyền mang tên của chính vua voi để tìm hiểu thực hư xung quanh tác dụng của bài thuốc, cũng là lúc gặp một đoàn khách từ đất bắc xa xôi đến tham quan. Qua câu chuyện được biết, họ vốn là những người hâm mộ tài săn bắt của vua voi, vượt hàng nghìn ki-lô-mét đến để mục sở thị các dụng cụ săn bắt, nghe ông Khăm Phết Lào kể về huyền thoại một thời cũng như được thưởng lãm những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số tại chỗ qua bộ trang phục truyền thống rực rỡ…
Khăm Phết Lào giới thiệu những dụng cụ săn bắt voi cho du khách
Trong ngôi nhà nhỏ vỏn vẹn vài chục mét vuông tại buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột),
ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đặt chân đến là bộ đồ nghề săn bắt voi có từ thời ông cố, nay vẫn được ông lưu giữ, đặt trang trọng ngay chính diện nhà khách. “Khi nhìn những vật dụng ấy, tôi như được sống lại thời quá khứ, về lại khung cảnh thiên nhiên hoang sơ với tiếng sông, tiếng suối, tiếng thú hoang dã gầm rú, và đặc biệt là nghe những tiếng voi rống vừa bị bắt giữ, ậm ừ trong sự khuất phục ngay trước sân nhà”- Khăm Phết Lào mở lời giới thiệu với du khách bằng giọng hoài cổ. Có lẽ thấu hiểu tâm trạng ấy của ông nên du khách lặng im, ngắm nhìn những dấu tích còn lại về một thời lẫy lừng của vua voi với sự ngưỡng vọng, rồi mới mở lời, hỏi han, tìm hiểu về bộ dụng cụ đặc biệt ấy cũng như cái Khăm Phết chỉ mới lên 5 đã lẽo đẽo, ngất ngưỡng trên lưng những chú voi nhà hùng dũng, rong ruổi theo cha trên những chuyến hành trình săn bắt voi rừng kéo dài từ ngày này sang tháng nọ. Thế là, trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ những nét truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ ấy, với dáng vẻ khỏe khoắn, giọng nói trầm hùng, quá khứ dần dần hiện về trong tâm trí du khách. Mân mê những sợi dây to bằng nửa cổ tay, nằm trong bộ dụng cụ săn bắt gồm hơn 10 món, mà ông phiên âm bằng tiếng M’nông là “Nắng Khọong”, ông giới thiệu: Đây là dụng cụ quan trọng nhất, dùng để buộc voi, không có gì bền bằng sợi dây thừng này. Vật dụng này được làm từ da bò tót, da min (trâu rừng), nhưng chỉ những con trưởng thành có từ 2 hoặc 3 lứa con mới được chọn lấy da. Còn kia là chiếc yếm, mà ông gọi là “Atao Bek” dùng để đặt lên lưng voi săn. Nó cũng được làm từ da bò tót. Khi đi săn, người ta để tất cả các dụng cụ săn và ngồi trên chiếc yếm ấy. Trước mỗi chuyến đi chinh phục voi rừng, bao giờ chủ voi cũng làm lễ cúng giàng, mọi người tụ họp, thành kính cầu may mắn. Những quy định, luật tục kiêng kỵ khắt khe được nhắc lại để các thành viên trong đoàn tuân giữ nghiêm ngặt. Sau khi lễ cúng giàng kết thúc, mọi người khởi hành, lần theo dấu vết những chú voi rừng. Khi phát hiện voi rừng, đàn voi nhà lập tức “dàn trận”, dưới sự chỉ huy của nài voi đầu đàn, cả đàn cùng tập trung tấn công vào con voi muốn bắt. Trận chiến khuất phục một con voi rừng hoang dã nặng hàng tấn bao giờ cũng quyết liệt, gay cấn, với không ít nguy hiểm. Những nài voi có kinh nghiệm, bản lĩnh mới được tín nhiệm chọn ngồi trên lưng voi đầu đàn. Sau khi đã bắt giữ được voi rừng, người ta dùng dụng cụ có tên Mây Kạnh Thưng, như là một chiếc thòng lọng dùng để trói chân voi. Và lấy một dụng cụ khác tên là Nhôn lồng vào cổ, buộc vào cây. Sau đó lấy Tham Nảm (cái lộng bằng gai) buộc vào cổ. Dụng cụ này có tác dụng gây đau đớn khi voi lồng lộn, buộc nó phải đứng im. Khi con voi rừng đã bị khuất phục, người ta đưa voi về nhà và thuần dưỡng. Có một điều thú vị trong mỗi hành trình săn là nếu người nài voi trói dây thòng lọng vào chân trước của voi sẽ bị phạt vạ một con trâu, còn nếu trói được chân sau sẽ được thưởng tương tự. Câu chuyện ngày một trở nên hấp dẫn du khách bởi những nghi lễ liên quan đến voi, mang đậm nét tâm linh của người bản địa như lễ nhập buôn cho voi, cúng sức khỏe voi, kể công voi dần dần được tái hiện qua lời kể của người vốn gắn bó với voi từ thuở lọt lòng.Có lẽ cũng từ những lần được theo cha hành trình chinh phục voi rừng dài ngày cũng như được sống trong khung cảnh thiên nhiên thân thiện, gần gũi với các loài vật, nhất là voi đã nuôi dưỡng trong ông Khăm Phết Lào một tình yêu, lòng tôn trọng, gắn kết đối với loài vật này như là một thành viên của gia đình. “Ngày ấy, mở mắt ra đã thấy voi rồi. Voi sống, voi ăn ở, sinh hoạt như người trong gia đình vậy! Mọi người đều hiểu tính khí của từng con voi. Mình luôn lo lắng, chăm sóc, tự tay chữa trị cho những con voi đi chúng bị đau ốm”, ông nói. Với óc quan sát, ông thường dõi theo những con voi bị thương đi tìm các loại cây để ăn, tự chữa bệnh, từ đó trị bệnh cho voi nhà bằng phương pháp truyền thống, hoàn toàn từ các loại cây cỏ. Tài chữa trị voi ấy cũng góp phần làm nên tên tuổi ông, nhiều chủ voi ở khắp nơi có voi bị bệnh đã mời ông đến chữa bệnh. Và nhiều người vẫn còn nhớ như in cuộc gặp gỡ xúc động giữa ông và chú voi Khăm Bun vào năm 2009 tại Hà Nội khi ông được mời ra để chẩn bệnh cho nó. Vừa đáp máy bay xuống, ông đã vội vã đến ngay nơi Khăm Bun ở. Thấy bóng ông, cả chục con voi trong đàn xiếc, đặc biệt là Khăm Bun rống lên mừng rỡ khiến mọi người ngạc nhiên. Còn con voi hung dữ nhất trong đàn có tên là Krông quỳ gối xuống chào. Lúc đó ông giải thích với mọi người rằng, nó đã nhận ra “mùi” người quen, đó như là sợi dây vô hình gắn kết, làm nên mối lương duyên đặc biệt giữa ông với loài động vật gần gũi này.
Cũng chính từ những hành trình săn bắt, chinh phục voi rừng ấy, ông đã được cha hướng dẫn cách phân biệt những loại thảo dược quý có sẵn trong tự nhiên. Ham học hỏi, Khăm Phết nhanh chóng thông thạo tất cả các loại cây thuốc quý hiếm. Nhận thấy năng khiếu cũng như tinh thần ham học hỏi của con, Ama Kông đã truyền thụ cho Khăm Phết phương pháp thu hái, sơ chế và sử dụng các loại cây thuốc quý và sau này ông được chính Ama Kông chọn làm người thừa kế duy nhất của bài thuốc bí truyền mang tên Ama Kông nổi danh khắp nước. Cùng với những kiến thức của một người đã từng học qua đông y, ông đã pha chế và bổ sung thêm một số vị thuốc khác vào trong công thức bí truyền ấy. Bài thuốc ấy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và cả giới y học. Năm 2006, Đại học Huế đã thực hiện đề tài: “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa Dak Lak”. Trong đó, khẳng định một trong những vị chủ đạo làm nên thương hiệu thuốc Ama Kông là cây Tơm trơng có chứa các thành phần vô cơ và nguyên tố vi lượng, có tác dụng chữa các bệnh xơ vữa động mạch, chống oxy hóa, chống loét, nám, kháng ung thư, cải thiện lưu thông tuần hoàn… Qua tay khách du lịch, bài thuốc Ama Kông ngày càng trở nên nổi tiếng. Du khách tìm đến nhà ông ngoài việc được nghe thuật lại nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi còn để kiểm nghiệm thực hư về những lời đồn thổi của bài thuốc mà vua voi Ama Kông đã dùng để có một năng lực kỳ diệu là “có con ở tuổi ngoài 80 và thọ trên 100 tuổi”. Song nếu thắc mắc hỏi Khăm Phết về công dụng đặc biệt ấy, ông cười với giọng hào sảng, đúng chất của núi rừng Tây Nguyên và khẳng định: “Bài thuốc Ama Kông có nhiều tác dụng, nhưng mọi người đừng lầm tưởng đây là một loại viagra. Đơn giản, khi sử dụng thuốc, mọi người ăn được, ngủ được, cải thiện sức khỏe thì tất nhiên mặt sinh lý cũng được cải thiện”.
Có một điều thú vị khác, mà những người vốn gần gũi, quen thuộc với sinh hoạt hằng ngày của ông thường thắc mắc, là mỗi khi có khách từ phương xa đến, ông lại trịnh trọng khoác bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình vào. “Khăm Phết không phải muốn thể hiện, người ta nói, viết về Khăm Phết quá nhiều rồi. Khăm Phết chỉ muốn giới thiệu một nét văn hóa khác cho du khách thông qua bộ trang phục này khi họ muốn tìm hiểu về nó”, ông thổ lộ. Quả thật, dẫu đã biết qua quá trình cũng như những chất liệu để làm ra một trang phục đặc sắc, mang nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng nhiều du khách cũng phải bất ngờ trước những ý nghĩa màu sắc trên bộ trang phục được ông giải thích. Ông cắt nghĩa: “Trang phục truyền thống của đồng bào mình bao giờ cũng có 2 màu chủ đạo là màu đen và màu đỏ. Màu đen tượng trưng cho những vất vả, một nắng hai sương của người lao động khi quần quật trên nương rẫy. Màu đỏ tượng trưng cho ý chí cũng như khí phách của con người trên hành trình vươn lên, chiến thắng những gian lao, vất vả. Và kết quả là họ đã đạt được những thành quả lao động, tự nuôi sống bản thân, gia đình. Điều đó được thể hiện bằng những chiếc nút vàng đính trên chiếc áo trong bộ truyền thống”. Những am hiểu tường tận về nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi cũng như những kiến thức sâu sắc về văn hóa, thông qua bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình chính là một trong những điểm độc đáo, thu hút du khách đến nhà ông tham quan, tìm hiểu. Và cũng chính từ đó, Dak Lak được du khách biết và đến ngày một nhiều hơn.
Cũng chính từ những hành trình săn bắt, chinh phục voi rừng ấy, ông đã được cha hướng dẫn cách phân biệt những loại thảo dược quý có sẵn trong tự nhiên. Ham học hỏi, Khăm Phết nhanh chóng thông thạo tất cả các loại cây thuốc quý hiếm. Nhận thấy năng khiếu cũng như tinh thần ham học hỏi của con, Ama Kông đã truyền thụ cho Khăm Phết phương pháp thu hái, sơ chế và sử dụng các loại cây thuốc quý và sau này ông được chính Ama Kông chọn làm người thừa kế duy nhất của bài thuốc bí truyền mang tên Ama Kông nổi danh khắp nước. Cùng với những kiến thức của một người đã từng học qua đông y, ông đã pha chế và bổ sung thêm một số vị thuốc khác vào trong công thức bí truyền ấy. Bài thuốc ấy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và cả giới y học. Năm 2006, Đại học Huế đã thực hiện đề tài: “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa Dak Lak”. Trong đó, khẳng định một trong những vị chủ đạo làm nên thương hiệu thuốc Ama Kông là cây Tơm trơng có chứa các thành phần vô cơ và nguyên tố vi lượng, có tác dụng chữa các bệnh xơ vữa động mạch, chống oxy hóa, chống loét, nám, kháng ung thư, cải thiện lưu thông tuần hoàn… Qua tay khách du lịch, bài thuốc Ama Kông ngày càng trở nên nổi tiếng. Du khách tìm đến nhà ông ngoài việc được nghe thuật lại nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi còn để kiểm nghiệm thực hư về những lời đồn thổi của bài thuốc mà vua voi Ama Kông đã dùng để có một năng lực kỳ diệu là “có con ở tuổi ngoài 80 và thọ trên 100 tuổi”. Song nếu thắc mắc hỏi Khăm Phết về công dụng đặc biệt ấy, ông cười với giọng hào sảng, đúng chất của núi rừng Tây Nguyên và khẳng định: “Bài thuốc Ama Kông có nhiều tác dụng, nhưng mọi người đừng lầm tưởng đây là một loại viagra. Đơn giản, khi sử dụng thuốc, mọi người ăn được, ngủ được, cải thiện sức khỏe thì tất nhiên mặt sinh lý cũng được cải thiện”.
Có một điều thú vị khác, mà những người vốn gần gũi, quen thuộc với sinh hoạt hằng ngày của ông thường thắc mắc, là mỗi khi có khách từ phương xa đến, ông lại trịnh trọng khoác bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình vào. “Khăm Phết không phải muốn thể hiện, người ta nói, viết về Khăm Phết quá nhiều rồi. Khăm Phết chỉ muốn giới thiệu một nét văn hóa khác cho du khách thông qua bộ trang phục này khi họ muốn tìm hiểu về nó”, ông thổ lộ. Quả thật, dẫu đã biết qua quá trình cũng như những chất liệu để làm ra một trang phục đặc sắc, mang nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng nhiều du khách cũng phải bất ngờ trước những ý nghĩa màu sắc trên bộ trang phục được ông giải thích. Ông cắt nghĩa: “Trang phục truyền thống của đồng bào mình bao giờ cũng có 2 màu chủ đạo là màu đen và màu đỏ. Màu đen tượng trưng cho những vất vả, một nắng hai sương của người lao động khi quần quật trên nương rẫy. Màu đỏ tượng trưng cho ý chí cũng như khí phách của con người trên hành trình vươn lên, chiến thắng những gian lao, vất vả. Và kết quả là họ đã đạt được những thành quả lao động, tự nuôi sống bản thân, gia đình. Điều đó được thể hiện bằng những chiếc nút vàng đính trên chiếc áo trong bộ truyền thống”. Những am hiểu tường tận về nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi cũng như những kiến thức sâu sắc về văn hóa, thông qua bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình chính là một trong những điểm độc đáo, thu hút du khách đến nhà ông tham quan, tìm hiểu. Và cũng chính từ đó, Dak Lak được du khách biết và đến ngày một nhiều hơn.
Đăng Triều (BÁO ĐT ĐẮK LẮK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét