Đánh thức nàng công chúa Tây Nguyên
Báo cáo tổng kết của 4 tỉnh đều nhìn nhận họ thừa tiềm năng du lịch nhưng vẫn như “một nàng công chúa ngủ trong rừng”, rất cần sự đánh thức của những chàng hoàng tử đến từ TPHCM.
Đáp lời, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, nhận xét: Năm năm qua, sự hợp tác, gắn kết giữa 5 tỉnh thành đã góp phần tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khai thác tiềm năng du lịch, đạt nhiều hiệu quả mới, giải quyết công ăn việc làm cho số đông lao động các tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giới thiệu rõ nét hình ảnh đất nước con người từng địa phương. Hiện đã có đường bay tương đối tốt, rút ngắn thời gian từ TPHCM đến Tây Nguyên, nhưng đường bộ huyết mạch vẫn còn quá khó khăn.
Sản phẩm du lịch của 4 tỉnh chưa liên kết được với nhau dù nằm trong “con đường xanh Tây Nguyên”. Riêng góc độ TPHCM, chúng tôi vẫn thấy việc hợp tác, xúc tiến với từng địa phương còn chưa rõ nét, chưa khai thác hết thế mạnh từng vùng. Tuy nhiên, qua chuyến đi thực tế lần này chúng tôi cảm nhận các tỉnh đã từng bước phát triển với nhiều sản phẩm mới, ưu việt như Bảo tàng Đắk Lắk to đẹp, là bảo tàng đầu tiên trong cả nước sử dụng tiếng dân tộc ngoài 4 ngôn ngữ khác, trưng bày theo lối mới...
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh
Góp ý cho các sản phẩm du lịch vùng Tây Nguyên, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp du lịch 4 tỉnh nên liên tục giới thiệu sản phẩm đặc thù, tiếp thị điểm đến ở từng địa phương để các hãng lữ hành TPHCM bán cho khách quốc tế. Mỗi địa phương nên có những sản phẩm độc đáo của riêng mình chứ không thể chung chung; tỉnh nào cũng cà phê, thác nước, cồng chiêng... Bốn tỉnh nên ngồi lại với nhau, “quy hoạch” cụ thể sản phẩm dựa trên thế mạnh thật sự của từng tỉnh.
Có thể làm phong phú sản phẩm tour qua việc nối kết với các tỉnh khác như thiết kế tour “lên rừng xuống biển”... Nhiều năm qua, chúng tôi cố gắng tìm một tour đậm chất dân tộc để bán cho khách quốc tế mà chưa có. Tôi nghĩ chúng ta phải thật sự kết nối và hợp tác thường xuyên chứ không đợi đến khi tổng kết mới “tìm đến nhau” như thế này!
Qua chuyến khảo sát này, chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất ở cả 4 tỉnh đều có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng cần tư vấn, góp ý với những nhà đầu tư để họ hiểu được đối tượng khách là ai nhằm phục vụ cho đúng, chuyên nghiệp, giảm bớt những khiếm khuyết không nên có mà chỉ những người trong ngành du lịch mới nhận ra. Thêm một lỗ hổng của cả 4 tỉnh là hiện nguồn nhân lực du lịch còn kém, chưa thông thạo ngoại ngữ để giao dịch, cung cách phục vụ còn chưa chuyên nghiệp...
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, tiếp lời: Muốn kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến tỉnh trước hết phải có nguồn nhân lực bậc cao; nhưng chỉ sử dụng người tại chỗ thì rất khó. Đây cũng là một câu hỏi lớn cho các tỉnh Tây Nguyên. Một vấn đề khác cần lưu ý là phải giúp cộng đồng địa phương hiểu rõ về du lịch để họ biết tham gia bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch dạng homestay mà dân địa phương không vui thì làm sao tiếp khách chu đáo?
Là người có thâm niên gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, hướng dẫn viên Nguyễn Tấn Công, Phòng Du lịch Nội địa Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, góp thêm nhiều ý kiến: Với Đắk Lắk có hơn 90% là người Êđê nên xây dựng sản phẩm chợ đêm là văn hóa đặc thù của người Êđê. Cần nghiên cứu kỹ từ trang phục, sản phẩm bày bán ở chợ phải độc đáo nhằm góp phần quảng bá nét văn hóa của người dân tộc. Với Đắk Nông có đặc sản độc đáo là sầu riêng thì tại sao chúng ta không xây dựng thương hiệu sầu riêng cho Đắk Nông?
Đại diện cho các doanh nghiệp Tây Nguyên, bà Võ Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Vạn Phát ở Buôn Ma Thuột, cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động nhiều năm ở Đắk Lắk, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm hợp tác, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp du lịch TPHCM trên 2 lĩnh vực xây dựng sản phẩm và đào tạo nhân lực.
Tặng quà lưu niệm giữa lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh
Hiện chúng tôi đang xây dựng sản phẩm “nông dân làm cà phê”, đưa du khách đến những trang trại trồng cà phê để hiểu quy trình trồng cà phê. Chúng tôi cũng đang phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, đưa khách vào ở nhà dân để hiểu tường tận cuộc sống của người dân tộc. Về ẩm thực, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà hàng tầm cỡ để tự hào giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những món ăn đặc thù của vùng dân tộc như cơm lam, canh thụt, đọt mây, gỏi cà đắng...
Cuộc đối thoại thực tế giữa các doanh nghiệp du lịch TPHCM và 4 tỉnh Tây Nguyên thật sự mở ra nhiều triển vọng hợp tác phát triển mới trong giai đoạn 2012-2017.
Coffee Tour - thế giới của những người yêu cà phê
Chắc không phải vô lý khi hành trình tham quan Tây Nguyên của đoàn TPHCM lần này dành hẳn một thời gian đáng kể để dừng lại ở Làng cà phê Trung Nguyên - một bảo tàng sống tập trung những vật dụng pha chế cà phê từ các nơi trên thế giới. Hơn thế nữa, đây còn là một không gian xanh với những hàng cà phê cổ mà mỗi gốc cây như một câu chuyện thì thầm kể lại cho khách tham quan quá trình phát triển của cây cà phê ở Việt Nam.
Bước chân lên ngôi nhà dài đặc thù của người Tây Nguyên, du khách như ru mình vào thế giới cổ tích của hơn 10.000 hiện vật được thu thập từ khắp mọi nơi trên thế giới chuyên về cà phê. Muốn so sánh các vị cà phê từ nhiều quốc gia nổi tiếng, du khách chỉ cần bước vào không gian hầm thác là tha hồ thưởng thức cà phê cũng như thả hồn trong những nhạc phẩm dành riêng cho loại thức uống “ma quái” này.
Làng cà phê Trung Nguyên còn chiêu đãi khách chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tinh hoa đất bazan” để giới thiệu về văn hóa Tây Nguyên cũng như văn hóa cà phê của người bản địa. Không chỉ thế, du khách còn thư giãn trong không gian yên tĩnh, cùng tham gia các dịch vụ khác như tham quan TP bằng xe ngựa, thưởng thức ẩm thực theo chủ đề vào cuối tuần để hòa mình vào đời sống người dân tộc.
Gỏi lá Tây Nguyên - đặc sản vùng cao
Để giúp cánh truyền thông thêm thông tin về ẩm thực đặc thù Tây Nguyên, ông Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương, đã chiêu đãi chúng tôi món gỏi lá “độc nhất vô nhị” của Tây Nguyên tại quán Yến Vi (số 19B Trần Cao Vân - Kon Tum) sau khi chúng tôi đã “no say” với dê 7 món ở tiệc chiêu đãi của ngành du lịch tỉnh Kon Tum. Dù bụng không còn chỗ chứa nhưng chúng tôi không thể cầm lòng trước một bàn tiệc hấp dẫn bày đầy các loại lá được hái từ rừng sâu cũng như trong vườn nhà xếp thật ngay ngắn.
Anh Sơn, chủ quán, tiếp chúng tôi, những người khách cuối cùng, đầy xởi lởi, chân tình như những người anh em xa nhà lâu lâu về thăm quê cũ. Anh vui vẻ giới thiệu trước cặp mắt ngạc nhiên của chúng tôi: Gỏi lá không như những loại gỏi khác vì nó tập hợp hàng chục loại lá; trong đó có những loại là những vị thuốc nam mang tác dụng chữa bệnh khác nhau như đinh lăng, ngũ gia bì, bồ công anh, lạc tiên, ngải cứu, mơ lông, cam thảo đất, dương xỉ, hồng ngọc, kim cang, lộc vừng, sâm đất, cải cay, ổi, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, quế, húng, ngò gai, kinh giới, tía tô, cải trời, xuân thu, lá gai thổ phục linh, gừng, cải, bông thọ, lược vàng...
Tác giả tại nhà rông Tây Nguyên
Vừa nói, anh vừa biểu diễn cách ăn: Khi ăn, người ta thường dùng lá mơ lông làm lớp bao ngoài cùng và cuốn lại thành hình chiếc phễu. Sau đó, ngắt nhỏ từng thứ lá bỏ vào, thêm thịt ba rọi, tôm, cá, thính, còn muối hạt, ớt kim xanh, tiêu nguyên hạt, củ riềng, đầu hành đặt lên trên. Không phải thô tục, nhưng muốn cảm nhận trọn vẹn hương vị tổng hợp của gỏi lá phải bỏ hết “chiếc phễu” vào miệng nhai kỹ một lần, sẽ thấm được vị cay, chua, chan chát lẫn vị đắng, ngọt, bùi...
Đặc biệt, khi ăn gỏi lá phải uống rượu đinh lăng chứ không thể sử dụng bất kỳ loại nước uống nào khác nếu không muốn... “Tào Tháo rượt!” Anh nói thêm: Gỏi lá sẽ rất ngon khi nước chấm được nấu cô đặc, sền sệt từ mẻ, thịt nạc, tôm khô băm nhỏ trộn trứng vịt khử qua dầu ăn. Anh Sơn chia sẻ: Nước chấm là bí quyết pha chế riêng của mỗi quán. Gỏi lá hấp dẫn không chỉ vì dễ ăn mà còn trị một số bệnh liên quan đến dạ dày, huyết áp, đau lưng, mát gan, an thần...
Không chỉ ăn ngon, chúng tôi còn được chủ quán thết một bữa tiệc âm nhạc “hoành tráng” bên cây đàn guitar và giọng ca truyền cảm, du dương khiến đêm Tây Nguyên của chúng tôi càng thêm lung linh, huyền thoại…
Nguồn: Xuân Hòa (báo Người Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét