Nói đến văn hóa Tây Nguyên là người ta nghĩ ngay đến lễ hội. Lễ hội không chỉ tái hiện tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán, mà còn gắn bó các buôn làng trong sự cố kết cộng đồng.
Mỗi một buôn làng của người Mạ, người Cơ Ho, người Chu Ru ở Nam Tây Nguyên đều có tối thiểu một lễ hội riêng và nhiều lễ hội chung với cộng đồng. Các tộc người canh tác nương rẫy và ruộng nước luôn thực hiện các nghi thức lễ hội nông nghiệp.
Người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru đều thờ thần rừng, thần sông, thần lúa… Họ tin rằng, nếu lễ hội được thực hiện đầy đủ, các thần linh sẽ phù hộ cho vụ mùa bội thu. Do đó, lễ hội nông nghiệp được duy trì hàng năm, bắt đầu từ lễ chọn đất, sau đó là lễ phát rẫy, lễ tỉa lúa, lễ mừng lúa đẻ nhánh, lễ mừng lúa trổ bông, cho đến lễ đưa lúa về nhà kho. Kết thúc vòng đời cây lúa một lễ lớn được tổ chức, nghi lễ này xưa kia được kéo dài hàng tháng. Buôn làng tổ chức lễ đâm trâu với đầy đủ các nghi thức. Về căn bản, lễ hội nông nghiệp được tiến hành theo chu trình sinh trưởng của cây lúa. Tất cả các lễ hội đều cắm cây nêu, lễ vật hiến sinh là gà, vịt, dê, heo, trâu (tùy theo lễ lớn hay nhỏ). Âm nhạc cồng, chiêng, khèn bầu, sáo, đàn môi, đàn goon được nổi lên ở bất cứ lễ hội nông nghiệp nào. Âm thanh của cồng, chiêng rộn rã, tha thiết, mời gọi… những bản đồng la đối đáp nhau, đuổi theo nhau, ngân nga, dồn dập, sôi nổi, vang dội, lảnh lót, lan xa trên mặt sông, len lách trong những cánh rừng để mời các thần linh đến chung vui với con người, thể hiện lòng biết ơn, niềm tin vào các thần linh đã giúp để lúa được đưa về đầy những nhà kho.Khác với người Mạ, người Chu Ru, người Cơ Ho (nhóm Cill) ở Đam Rông sau lễ đốt rẫy còn tổ chức lễ tạ ơn thần lửa, chủ hộ mang hòn than nóng về nhà, lễ vật là một chóe rượu, một con gà. Chủ hộ lấy máu gà hòa với rượu cốt vẩy lên hòn than còn nóng khấn tạ ơn thần lửa. Sau đó, mỗi hộ lại mang một con gà, một chóe rượu đến tập trung ở chòi thần trên rẫy. Tại đây, già làng sẽ đứng ra làm lễ tạ ơn thần lửa cho cả buôn. Sau lễ cúng, mỗi cặp vợ chồng chọc 7- 8 lỗ tượng trưng, sau đó tra lúa, bắp, bầu, bí xin thần linh gia hộ cho mùa màng tươi tốt. Khi hạn hán, già làng Cơ Ho ở Đam Rông một mình đến ngọn núi ở đầu nguồn rừng thiêng, đem theo một gói nhọ nồi, một chân dê khô, một gói bồ hóng đặt cạnh mạch nước để làm lễ cầu mưa. Trong khi người Cơ Ho ở Di Linh lại cắm cây nêu, tổ chức lễ đâm trâu cả đêm ở giữa cánh đồng cho lễ hội cầu mưa của cả cộng đồng.
Bên cạnh các nghi lễ nông nghiệp, người Cơ Ho ở Đam Rông còn tổ chức lễ sinh đẻ và nuôi dậy con cái, lễ cầu sức khỏe, lễ mừng thọ. Bất cứ người Mạ nào khi sinh ra bảy ngày sau đều được gia đình tổ chức lễ đặt tên. Nếu là con trai được cha làm cho một cái ná, con gái được cha làm cho một cái gùi; lễ vật hiến sinh gồm gà, heo, rượu cần. Nghi lễ được bắt đầu bằng một bài cúng thần linh, sau đó bản đồng la nổi lên báo tin cho cộng đồng, thần linh về sự ra đời của một con người. Sau nghi lễ này người Mạ sẽ trải nghiệm nhiều lễ hội khác trong vòng đời của mình. Trong truyền thống, người Mạ còn trải qua nghi lễ cà răng, căng tai trước khi tham dự vào lễ hỏi, lễ cưới của bản thân mình. Cũng như người Cơ Ho, người Chu Ru; kết thúc vòng đời, người Mạ được gia đình, dòng họ, buôn làng tổ chức một tang lễ thể hiện tình cảm của người sống dành cho người chết. Thể hiện quan niệm của các tộc người rằng, người chết sẽ tiếp tục “sống” ở buôn làng của người chết (gọi là Lềnh bồ ịch), đi qua cánh cửa thứ năm có tên là Lú tầm chích, nơi hai viên đá lớn đập vào nhau, người chết biến thành cát bụi, cát bụi bám vào lá, quả, người chết ăn vào lá quả này, sẽ tái sinh ở một kiếp sống mới. Tang lễ của người Mạ khác căn bản với tang lễ của người Cơ Ho, Chu Ru là không sử dụng cồng chiêng. Đối với người Chu Ru, lễ hội lớn nhất chính là lễ bỏ mả.
Khác với tộc người Mạ ở Di Linh, Bảo Lâm, người Mạ ở Cát Tiên có những lễ hội cộng đồng khá độc đáo đó là lễ hội cúng thần chiêng, lễ hội cúng thần lửa, lễ hội kết bạn. Lễ kết bạn diễn ra giữa hai gia đình mà xưa kia ông bà, tổ tiên họ đã từng là bạn của nhau, từng cùng nhau đi săn thú, bắt cá, từng chia sẻ với nhau những đặc sản nhỏ nhất kiếm được từ rừng. Lễ vật hiến sinh là gà, vịt, heo, trâu. Bạn bè dòng tộc của hai gia đình từ khắp nơi được mời đến, họ mang theo đồng la, khèn, sáo để tham gia thực hiện nghi lễ đầy tính nhân văn này. Cây nêu được dựng lên dưới sân của nhà dài, con trâu được trang trí thật đẹp bởi những mảnh thổ cẩm nhỏ ở giữa trán và hai sừng. Suốt đêm đó, người Mạ đốt lửa, đánh đồng la, múa xung quanh cây nêu với tâm nguyện rằng toàn thể đồng tộc và các thần linh đều chứng thực cho tình bạn của họ ngày càng bền vững theo năm tháng.
Người dân đi lễ hội với bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với những điệu múa, lời ca huyền bí, với âm thanh của chiêng, trống, khèn… Trong không gian văn hóa của tộc người bản địa, cồng chiêng bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng, vì vậy, đã trở thành “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Lễ hội bao giờ cũng là nơi truyền tải các giá trị văn hóa bản địa.
(Theo báo Lâm Đồng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét