Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Cẩm nang du lịch Tây Nguyên cho bạn

Tháng 12 dương lịch là thời điểm lý tưởng để du khách đến Tây Nguyên bởi lúc này nơi đây diễn ra nhiều lễ hội và là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trên đất đỏ bazan. 
Trong cái se lạnh chớm thu sang đông, hoa dã quỳ càng tôn vẻ đẹp của một vùng đất vẫn còn kỳ bí nên dã quỳ còn được ví là hoa báo đông (Xem hình ảnh về hoa dã quỳ).
 
 
Đi Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa tới Tây Nguyên. Nhưng mỗi dân tộc ở Tây Nguyên lại có văn hóa uống rượu cần khác nhau mà du khách cần tìm hiểu. Người dân Xêđăng có lệ: Trước khi uống rượu chủ nhà đặt gan gà thái miếng lên tai ghè rồi khấn thần linh. Già làng luôn là người uống đầu tiên. Thường khách được mời cầm cần đầu tiên, nhưng khách nên mời già làng và chủ nhà uống trước. Với người H’Rê, khi mọi người đã ngồi quanh ghè rượu, chủ nhà đứng dậy, rút một cọng tranh trên mái nhà cắm vào ghè rượu (tượng trưng cho việc mời trời và tổ tiên uống trước), sau đó đổ nước. Nếu chủ nhà đổ nước đầy miệng ghè, đó là cách tỏ ý kính trọng khách. Khách phải uống hết phần rượu mời mới là quý nhau. Thông thường, mỗi cuộc rượu có một người điều hành được cử ra. Cần phải được liên tục chuyển từ người này sang người khác. Ai không uống phải dùng ngón tay cái bịt đầu cần.

Du khách còn nên biết được nhiều phong tục khác. Nhà Dài Êđê có hai cầu thang, một là cầu thang Cái dành riêng cho phụ nữ và khách quý lên xuống. Đỉnh của cầu thang được đẽo giống như mũi con tàu, phíadưới có một vầng trăng khuyết và bộ ngực phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Cầu thang Đực thường nhỏ hơn rất nhiều và được đặt cách xa phía bên trái dành cho những người đàn ông trong gia đình lên xuống. Thường bậc của 2 loại cầu thang trên có số lẻ: 3,5,7 (người Êđê thích nhất con số 7). Nếu du khách muốn biết gia đình nào có bao nhiêu con gái, hãy nhìn vào cửa sổ: nhà nào có bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu con gái. Cửa sổ đóng kín nghĩa là cô gái ấy chưa “bắt chồng”, còn cửa sổ nào mở rộng có nghĩa là cô gái ấy đã “bắt chồng”.
 
 
Tây Nguyên có nhiều đường dốc đồi núi. Khi đi du lịch, du khách nên mang theo giày thấp, mềm và có nhiều gai để bám chắc khi leo. Khi leo núi, bạn nên đi 2 đôi vớ, 1 vớ mỏng bên trong (không nên đi vớ nilông hay vớ giấy bên trong) mà nên đi vớ mềm thấm mồ hôi và 1 đôi vớ dài bên ngoài để trùm lên quần tránh muỗi. Sử dụng 2 đôi vớ sẽ giảm độ cọ của giày và chân, tránh làm phồng rộp da chân. Du khách cũng nên chọn loại quần áo dễ thấm mồ hôi và thoải mái khi di chuyển
 Nguồn: Siêu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét