Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc thiểu số: Bahnar, Xê đăng, M’nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Jrai... Cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời.
Điều đặc biệt, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Hơn thế, âm thanh cồng chiêng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái, tình cảm của con người trong cuộc sống: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...